Ngày đăng: 04/06/2018
Tình cảm gia đình là cơ sở tốt đẹp, bền vững của lòng yêu nước, yêu dân. Là người cả đời vì nước, vì dân, Bác Hồ rất quý trọng tình cảm gia đình. Bác Hồ cũng như chúng ta, là con người bình thường, cũng khát vọng yêu thương, cũng mong muốn có một mái ấm gia đình. Nhưng Người trở nên vĩ đại bởi vì Người đã vượt lên trên cái bình thường, hy sinh hạnh phúc của chính mình với mục đích đem lại hạnh phúc bình thường cho mọi người, cho các thế hệ mai sau. Đối với những đồng chí sống gần gũi quanh mình, Bác luôn quan tâm đến gia đình riêng của họ. Trước khi đi công tác xa lâu ngày, Bác không quên nhắc những người phục vụ bố trí thay phiên nhau để có thì giờ về thăm gia đình.
Năm 1929, Bác Hồ từ châu Âu về nước Thái Lan. Thời gian ở Thái Lan, Bác Hồ giúp anh em cán bộ Việt kiều củng cố, phát triển tổ chức Việt kiều và uốn nắm lại nội dung tuyên truyền của tờ báo Thân ái. Bác Hồ thường đi thăm trụ sở của các đoàn thể Việt kiều. Một lần, trên đường đi thăm các trụ sở đó, mới đi được nửa đường thì trời tối, Bác Hồ ghé vào một gia đình Việt kiều làm thợ mộc, ngủ nhờ. Đêm đó, chị chủ nhà ngâm Kiều ru con. Bác Hồ lắng nghe. Sáng hôm sau lúc đi đường, Bác Hồ nói với đồng chí Trần Lan, bạn đồng hành, giọng rất âu yếm:
“Xa nhà chốc mấy mươi niên
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”.
Chỉ lời ru con của chị chủ nhà Việt kiều cũng làm Bác Hồ xúc động tình cảm gia đình đến thế!
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chị gái của Bác là bà Thanh ra Hà Nội thăm Bác.
Nghe tin, mắt Bác Hồ ngấn lệ, bốn chục năm rồi, bây giờ chị em mới có điều kiện gặp lại. Bác nhớ chị gái của mình nhưng phải nén nhịn chưa gặp ngay vì sợ có điều bất lợi cho công việc chung khi chính quyền cách mạng còn non trẻ.
Vào buổi trưa cùng ngày, Bác Hồ đến gặp chị tại nhà của giáo sư Đặng Thai Mai. Bác Hồ đứng lên dìu chị ra phòng khách. Hai chị em mừng mừng tủi tủi. Bà Thanh thân mật hỏi Bác: "Khi nào cậu về thăm quê được?". Bác nhìn ra ngoài cửa sổ, một lát sau, Bác trả lời: “Em cũng muốn về thăm quê, nhưng chắc chắn còn lâu, vì việc nước còn nặng nề lắm”. Hai chị em đôi mắt ngấn lệ. Cuộc hàn huyên dồn nén trong 40 năm nay chỉ nói được với nhau ngót một tiếng đồng hồ đã phải chia tay vì nhiều việc hệ trọng đang chờ Bác.
Năm 1950, nghe tin anh trai Nguyễn Sinh Khiêm mất, do hoàn cảnh kháng chiến, không về quê chịu tang anh được, ngày 11-9-1950, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc đã điện cho Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV, bức điện số 1229, nhờ chuyển cho làng Kim Liên, họ tộc Nguyễn Sinh: “Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh đau yếu tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Tôi xin chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”. Đến giữa tháng 9/1969, sau khi Bác qua đời, Văn phòng phủ chủ tịch tìm thấy tấm hình chụp bộ đội đứng hai bên mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Cao Lãnh để trong chiếc hộp gỗ khảm đựng thiếp in hoa, để trên ngăn sách cao nhất trong buồng làm việc tại ngôi nhà sàn Bác ở.
Cả gia đình Bác đã hy sinh cho nhân dân, cho đất nước. Gia đình Bác đã hòa vào mỗi gia đình người Việt Nam hôm nay và mai sau. Mặc dù Bác không lập gia đình, nhưng mỗi gia đình Việt Nam như có Bác ở bên, đi theo con đường Người chọn, học tập và làm theo lời Người dạy. Gia đình của Người, sống mãi cùng gia đình Việt Nam, trường tồn cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam ngày 28/6, ôn lại những câu chuyện về Bác Hồ giúp chúng ta thêm trân trọng những giá trị thiêng liêng cao cả của gia đình và ý thức hơn trong việc xây dựng, vun đắp gia đình mỗi chúng ta thêm gắn bó, yêu thương nhau hơn.
Trong những năm qua, Công đoàn các đơn vị trong Tổng công ty đã phát động nhiều hoạt động ý nghĩa cho CNVC-LĐ và người thân cùng tham gia như cuộc thi Ảnh đẹp gia đình, các chuyến đi nghĩ dưỡng cho các gia đình, hội thi nam khéo tay… đã được đông đảo người lao động hưởng ứng tham gia đông đảo. Các gia đình đã có cơ hội chia sẻ những khoảnh khắc ấm cúng bên nhau thông qua những bộ hình đẹp và có thời gian tham gia những hoạt động tập thể như trò chơi vận động, cuộc thi thời trang gia đình… Qua những hoạt động đã giúp mọi người gắn kết nhau hơn, chia sẽ những kinh nhiệm trong công việc và cuộc sống, hoàn thành các nhiệm vụ được giao nhằm xây dựng đại gia đình Tổng công ty ngày một phát triển.
Đưa tin: Văn Thảo